Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người bị nám da khá cao với các loại nám thường gặp là nám mảng, nám chân sâu và nám hỗn hợp. Bạn cần phải hiểu rõ về 3 loại nám này để có phương pháp điều trị phù hợp.
1. Phân biệt các loại nám da thường gặp
Nám là một tình trạng khá phổ biến với dấu hiệu nhận biết là các đốm nâu hoặc mảng thâm xuất hiện ở khu vực gò má, trán, cằm, cánh mũi hoặc bọng mắt. Đây là biểu hiện của việc rối loạn sắc tố da khi hàm lượng melanin phát triển quá mức để bảo vệ da khỏi các tác nhân xấu từ môi trường và sự thay đổi ở bên trong cơ thể.
Khác với tàn nhang, nám da khá đa dạng và được chia thành 3 loại dựa theo dấu hiệu nhận biết và cấu tạo.
1.1: Nám mảng (nám biểu bì)
Nám mảng là loại nám thường gặp nhất trong các loại nám da với biểu hiện là các mảng nâu sậm màu hơn so với da, có kích thước khá lớn khoảng từ 2 – 4cm. Thông thường loại nám này tập trung chủ yếu ở khu vực gò má – nơi có cấu tạo da mỏng, khiến cho làn da khá mất thẩm mỹ và kém sắc. Tuy nhiên so với các loại nám khác thì nám mảng dễ điều trị hơn do bản chất chân nám không ăn quá sâu mà chỉ bám nông trên bề mặt biểu bì.
Nguyên nhân hình thành nám mảng thường là do sự tác động từ ánh nắng mặt trời, ô nhiễm môi trường hoặc sử dụng các loại mỹ phẩm trôi nổi làm mòn da. Ngoài ra nếu bạn quá lạm dụng thuốc tránh thai thì cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao gây ra nám mảng.

1.2: Nám chân sâu (nám đốm)
Dấu hiệu nhận biết của nám chân sâu là các đốm li ti với kích thước chỉ 1 – 2mm, có màu nâu đậm, nhạt, xanh hoặc xám tùy theo cơ địa và mức độ bị nám của từng người. Trong các loại nám thì nám chân sâu có nguy cơ lây lan khá nhanh, ban đầu có thể chỉ là vài đốm nhỏ nhưng nếu không được can thiệp điều trị thì chúng sẽ nhanh chóng phát triển cả về số lượng lẫn diện tích bị nám.
Loại nám này có chân nám ăn sâu vào lớp trung bì và hạ bì nên những phương pháp chữa trị thông thường gần như sẽ không đem đến hiệu quả, mà thay vào đó cần có sự can thiệp bằng công nghệ điều trị chuyên sâu. Nám chân sâu hình thành do yếu tố di truyền là chủ yếu, ngoài ra còn do sự thay đổi nội tiết tố.

1.3: Nám hỗn hợp
Nám hỗn hợp là sự kết hợp của các loại nám mảng với nám chân sâu nên khá đa dạng về màu sắc, kích thước và thường thấy ở người ngoài độ tuổi trung niên khi nền da có sự lão hóa. Trị nám hỗn hợp đòi hỏi nhiều thời gian và công sức hơn rất nhiều khi vừa phải giải quyết nám mảng vừa phải loại bỏ nám chân sâu.

2. Tại sao tỷ lệ phụ nữ bị nám cao hơn ở nam giới?
Hiện nay các loại nám thường xuất hiện chủ yếu ở nữ giới với tỷ lệ cao hơn nam giới khoảng 70%. Nghiên cứu chỉ ra rằng làn da của nam giới có độ dày gấp 7 lần so với nữ giới nên quá trình lão hóa da sẽ diễn ra chậm hơn và thường sẽ chịu ít tác động tiêu cực từ ánh sáng mặt trời, môi trường ô nhiễm, các loại mỹ phẩm,…
Ngoài ra, phụ nữ cũng đối mặt với sự thay đổi nội tiết tố sau sinh, khi bước vào độ tuổi trung niên hoặc uống quá nhiều thuốc tránh thai sẽ dẫn đến hàm lượng hormone bị thiếu hụt gây ra tình trạng làn da bị suy yếu, không còn được khỏe mạnh và dễ gặp các vấn đề về nám da, tàn nhang.
3. Làm thế nào để hạn chế nguy cơ xuất hiện các loại nám
Việc trị nám khá tốn kém nên nếu có thể thì bạn cần ngăn chặn sự xuất hiện của các loại nám da bằng cách:
– Xây dựng một thực đơn ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh và trái cây. Hạn chế đồ ăn cay nóng, dầu mỡ, thức ăn nhanh, rượu bia và đồ uống có cồn.
– Luôn luôn sử dụng kem chống nắng với SPF 30+ trở lên, bôi trước khi ra ngoài 30 phút và nhắc lại sau 2 giờ.
– Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều.
– Đi ngủ sớm và ngủ đúng giờ.
– Chú ý tẩy trang, làm sạch và dưỡng da mỗi ngày với các sản phẩm mỹ phẩm an toàn cho da.

4. Tổng kết
Các loại nám khác nhau sẽ có cách điều trị không giống nhau nhưng quan trọng nhất là cần được can thiệp càng sớm càng tốt. Nếu nhận thấy da mặt của mình bắt đầu có các dấu hiệu nám da thì bạn nên tìm đến các chuyên gia, bác sĩ để được soi da, xác định tình trạng và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp nhất.